TRUYỀN THỐNG VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

Nay là Trường THCS Phan Đình Phùng xã Tâm thắng, huyện Cư Jút – Đăk Nông nguyên là trường cấp 2 Tâm thắng là một bộ phận một cấp hoạc của trường cấp 1,2 Cư Jút, thuộc Phòng giáo dục thị xã Buôn Ma Thuột- Đăk Lăk, thành lập từ năm 1977 đến năm 1983 đổi tên thành trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. Năm học 1983- 1984 trường mới có lớp 9 đầu tiên với 23 học sinh, cuối năm đỗ tốt nghiệp 100% tại hội đồng thi trường PTCS Hòa Phú. Lúc bấy giờ Cư Jút là xã xa và khó khăn nhất của thị xã Buôn Ma Thuột, nhiều người nhận quyết định về công tác tại đây phần lớn trả quyết định, hoặc bỏ nghề vì đời sống quá khó khăn. Những người bám trụ được với nghề tại đây thì thật sự  yêu nghề, yêu trường, yêu quí những học sinh nghèo nơi đây cho đến lúc hoàn thành nhiệm vụ với nghề với đảng với nhân dân Cư Jút đến lúc nghỉ hưu.

54521808_980595125662453_1206912877059899392_n

Tuy hoàn cảnh và điều kiện kinh tế xã hội những năm tháng đầy gian nan đó nhưng tình đồng chí, đồng nghiệp đã gắn bó giúp nhau vượt qua mọi khó khăn thách thức của đời thường để cùng phấn đấu hoàn thành công tác của sự nghiệp giáo dục ở địa phương. Giáo viên thiếu ăn, chậm lương thì những người về trước đã có được rau, bắp giúp nhau để sống trụ với nghề, như thầy Nguyễn Dậu(Hiệu trưởng từ 1983 về trước) theo các thầy cô kể, hàng ngày thầy đã góp những mớ rau lang, nhánh chuối,… đạp xe mang đến trường cho thầy cô ở nội trú ăn chống đói. Các thầy cô ở những “lều” nội trú của trường thì thường hầm bắp buổi sáng để mời gọi nhau ăn sáng để đủ sức lên lớp như Thầy Châu, thầy Chủy, thầy Kiểu, cô Lan, Cô Xuân, cô Báu, cô Mậu, cô Tâm, cô Hường, cô Hợi…rất nhiều không thể kể hết đựợc….Các ngày chủ nhật nghỉ dạy thì đi làm thuê cho dân cấy lúa, gặt lúa, lấy củi, lấy cọc tiêu để bán kiếm tiền, tát bắt cá cải thiện bữa ăn…Ngồi nghĩ lại trong những năm gian khó đó mới thấy được tình đồng chí, đồng nghiệp và sự đùm bọc nhau không phân biệt quê hương xứ sở. Có người ốm đau là nhờ người dạy thay và báo cho ban giám hiệu biết là được, nhưng chẳng ai ỷ lại điều ấy để trốn dạy bao giờ. Trong cảnh khó khăn vất vả trăm bề, dạy thừa giờ mỗi người thừa năm, bảy tiết,có người day và chủ nhiệm hơn gấp đôi số giờ qui định, không được tính thừa giờ cũng mà chẳng kêu ca gì. Có thầy cô ban ngày lên lớp dạy, ban đêm học trò đến hỏi bài thầy cô vẫn vui vẻ dưới ánh đèn dầu giúp các em hiểu mà chẳng đòi hỏi gì.

20181218_135530

Tuy như thế, nhưng các em học sinh của Cư Jút lúc bấy giờ cũng đâu kém học sinh các huyện và thị xã, hàng năm đều có học sinh giỏi cấp huyện hoặc cấp thị xã, cấp tỉnh; tốt nghiệp cũng đạt từ 95 đến 98%. Tham gia thi giáo viên dạy giỏi đạt cấp huyện Nguyễn Thị Ngân Hoa,  Phan Thị Yến, Trương Thị Xuân, Lê Thị Hoa, Phạm Thị Hợi…cấp tỉnh như cô Trần Thị Minh, thầy Trương Văn Hạnh, cô Nguyễn Thị Thanh Hường, cô Phan Thị Mai, cô Nguyễn Thị Nghĩa cô Lê Thị Hồng Nga, Phạm Thị Dim, Nguyễn Thị Thanh Giang, Nguyễn Thị Long, Lê Thị Minh, Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Tú Uyên …(còn nhiều, nhiều nữa nhưng không nhớ  để ghi ra hết được rất mong sự cảm thông của quí thầy cô)

Riêng người thầy có thành tích đáng kể về phong trào giáo dục thể chất nhất là thầy Phạm Tú Nghĩa, tuy không phải được đào tạo từ đầu là thể dục nhưng thầy đã đào tạo biết bao thế hệ học trò đạt thành tich về thể dục thể thao mà lãnh đạo Sở giáo dục tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông đều biết đến thầy, vì học trò của trường PTCS Tâm Thắng -Cư Jút mà thầy dẫn đoàn dự thi năm nào cũng đạt thành tích cấp huyện, cấp tỉnh, có năm còn đạt giải cấp quốc gia, đoàn học sinh của thầy đi thi là sẽ có thành tích, có cờ giải của tỉnh mang về, năm 1996 nhận cờ Đoàn Nhất của Tổng cục thể dục thể thao tặng.

HỘI THAO CHÀO MỪNG 36 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Nói chung, đội ngũ cán bộ giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong công tác, đã được sự tin yêu của các cấp lãnh đạo cũng như cha mẹ học sinh. Học sinh đã có truyền thống chăm ngoan, học tốt. Trường THCS Phan ĐìnhPhùng đã từng là một trong những ngọn cờ đầu về chất lượng giáo dục của bậc THCS của huyện, được sự tin yêu của các cấp lãnh đạo và cha mẹ học sinh. Học sinh phần lớn chăm ngoan, hiếu học.

Năm học 2003-2004 trường được chuyển về địa điểm mới tại thôn 15 xã Tâm Thắng, đến ngày 02 tháng 8 năm 2007 trường THCS cấp 2 Tâm Thắng lại tách thành 2 trường đó là trường THCS Phan Đình Phùng và trường THCS Nguyễn Văn Trỗi . Đến ngày 22/8/2019 có Quyết định số 2033/QĐ-UBND huyện Cư Jut sáp nhập 2 trường là trường THCS Phan Đình Phùng và trường THCS Nguyễn Văn Trỗi thành trường THCS Phan Đình Phùng.

Năm 2010 trường được đón nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia. Đến tháng 2 năm 2017 trường được tiếp tục công nhận trường trường THCS đạt chuẩn quốc gia

Trường THCS Phan Đình Phùng là trường có bề dày truyền thống “ Dạy tốt – Học tốt”, trường luôn được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt sự chỉ đạo toàn diện của lãnh đạo phòng Giáo dục & Đào tạo Huyện Cư Jút, của lãnh đạo huyện Cư Jút và xã Tâm Thắng và đặc biệt là sự phối hợp giúp đỡ của CMHS nhà trường trong việc giáo dục con em ở nhà cũng như hỗ trợ nhà trường. Tập thể trường có tinh thần trách nhiệm, đội ngũ cán bộ giáo viên có nhiều kinh nghiệm và có trách nhiệm trong công tác dạy học, công tác chủ nhiệm lớp vận động học sinh đã bỏ học ra lớp học lại rất được nhân dân trong xã Tâm Thắng tin yêu.

Hiện nay trường THCS Phan Đình Phùng có 25 lớp, hơn 900 học sinh với 72 cán bộ giáo viên.

Trường đã có đầy đủ các tổ chức như: Chi bộ Đảng với 25 đảng viên (đạt 34,7%) chi bộ liên tục đạt trong sạch vững mạnh nhiều năm liền. Tổ chức công đoàn với 100% cán bộ công nhân viên đều là đoàn viên công đoàn, tổ chức đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh các tổ chức này hàng năm luôn đạt tập thể vững mạnh, Nhà trường cũng đã có Hội đồng trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh…Các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường luôn phối kết hợp chặt chẽ trong mọi hoạt động thi đua dạy tốt, học tốt và các hoạt động phong trào mang tính giáo dục của nhà trường .

– Hàng năm nhà trường tổ chức CBGV và HS khối 9 tổ chức tham quan, các khu du lịch thác Đray Sap, Đrây Nu, Trinh Nữ, Gia Long, …tham quan, trải nghiệm học tập các di tích lịch sử của Đăk Nông căn cứ Cách mạng Nâm Nung,  Bảo tàng Đăk Lăk, nhà Đày Buôn Ma Thuột, viếng nghĩa trang liệt sĩ huyện, tham quan nơi sản xuất và tặng quà Hội người mù Cư Jút…. Thường xuyên tổ chức cho học sinh xem phim về các di tich lịch sử, phong cảnh địa lý đất nước và thế giới (từ youtube của chiếc tivi mà học sinh cũ đã tặng trường) để giáo dục tinh thần yêu nứớc, biết ơn những người đã đấu tranh, hy sinh giành độc lập của cha ông ta cũng như giáo dục tình yêu quê hương đất nước, chia sẻ với những người có số phận không may mắn ở quanh ta.

Thường xuyên tổ chức văn nghệ chào mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11để giáo dục lòng tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam ta.

Cứ 4 năm một lần nhà trường tổ chức trại truyền thống chào mừng ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh để giáo dục truyền thống của đoàn TNCS HCM và giáo dục kỹ năng sống cho các em.

Cảnh quan nhà trường đã được đổi mới khang trang sạch đẹp được phụ huynh học sinh và lãnh đạo địa phương đồng tình ủng hộ. Đã tham mưu với lãnh đạo Đảng, Chính quyền xã Tâm Thắng và cha mẹ học sinh làm sân khấu và lát gạch toàn bộ sân trường, bộ mặt nhà trường đã ngày mỗi khang trang đẹp đẽ làm cho học sinh càng yêu trường mến lớp hơn, hạn chế việc học sinh bỏ học.

 

Qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, biết bao thế hệ thầy cô giáo nơi đây đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nay đã hoàn thành nghĩa vụ đối với sự nghiệp trồng người đã về nghỉ hưu bàn giao công việc cho các lớp đồng nghiệp sau tiếp tục đầy trách nhiệm và vinh quang đó. Cũng hơn 30 năm trường cấp II Tâm Thắng đã đào tạo biết bao lớp tuổi thơ trưởng thành khôn lớn bay khắp mọi nghề, mọi miền đất nước kế cả nước ngoài góp sức bé nhỏ của mình để xây đắp cuộc đời mỗi ngày thêm tươi đẹp. Cám ơn các thế hệ học trò cấp II Tâm Thắng đã luôn nhớ về thầy cô cũ nơi đây.

IMG_20180104_102246_hdr

Nhân dịp chào mừng 30 năm thành lập xã Tâm Thắng và cũng là 30 năm ngày thành lập huyện Cư Jút, Bản thân tôi, người viết bài này cũng như những đồng nghiệp đã từng công tác dưới mái Trường phổ thông cơ sở Cư Jút, nay là trường THCS Phan Đình Phùng, chân thành cám ơn các đồng nghiệp đã đùm bọc, giúp nhau trong mấy chục năm qua(dù đang còn công tác hay đã nghỉ hưu) để hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục mà Đảng và nhân dân giao phó. Cám ơn các bậc phụ huynh học sinh đã tin tưởng gửi gắm con em tới trường chúng tôi để học tập trở thành những công dân hữu ích cho xã hội và đất nước. Chúng tôi tin tưởng rằng các thế hệ thầy cô giáo trường THCS Phan Đình Phùng sẽ vẫn mãi xứng đáng với niềm tin yêu của các cấp lãnh đạo và nhân dân địa phương như vốn có lâu nay.

Cư Jút, Ngày 03 tháng 10 năm 2019

Bùi Văn Bửu

Hiệu trưởng trường THCS Phan Đình Phùng

Cư Jút – Đăk Nông

Rất mong ban biên tập chỉnh sửa giúp

Về câu từ cho phù hợp, lỗi chính tả,….

Chân thành cám ơn