TÔI VỚI NGHỀ DẠY HỌC Ở CƯ JÚT

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

TÔI VỚI NGHỀ DẠY HỌC Ở CƯ JUT

Khi mới ra trường, nhận quyết định về công tác tại trường Phổ thông cơ sở Xã Cư Jút(1983), thì có người bảo tôi: “ Thà bỏ nghề, hơn về Cư Jút”. Thoáng chút buồn nhưng chợt nghĩ mình đã từng chịu được khổ ở quê rồi nên ở đâu cũng không sợ khổ hơn quê mình nữa.

Ra trường giảng dạy được 3 năm thì thầy hiệu trưởng trường tôi đang dạy(PTCS Cư Jút) bị kỷ luật và lãnh đạo thị xã Buôn Ma Thuột về tiến hành tổ chức bầu trực tiếp, viết quyết định ngay tại chỗ cho tôi làm Hiệu trưởng.

Ngày ấy vào tháng 10/1986. Tôi vô cùng lo sợ tìm mọi lý do để chối từ, vì là giáo viên vừa mới được biên chế, chưa kinh qua một công tác quản lý chỉ đạo nào chưa là hiệu phó, kể cả tổ phó chuyên môn. Tôi đứng lên trước tập thể xin rút tên trong danh sách đề cử bầu hiệu trưởng. Nhưng tập thể không đồng ý và lúc đó có cả đồng chí phó chủ tịch UBND thị xã Buôn Ma Thuột Nguyễn Lương Phó; trưởng phòng giáo dục thị xã Buôn Ma Thuột đồng chí Phạm Văn Nhăm, và tập thể hội đồng sư phạm từ cấp học mẫu giáo, câp I, cấp II có 74 người không đồng ý cho tôi rút tên và tiến hành bầu phiếu tại chỗ. Kết quả tôi được 69/74 phiếu (trong đó có 2 phiếu của vợ chồng tôi không tự đồng ý cho mình). Có kết quả, lãnh đạo ký quyết định tại chỗ và giao nhiệm vụ yêu cầu tôi đứng trước cuộc họp nhận quyết định và nhiệm vụ. Không thể từ chối được dù lúc ấy hoàn cảnh gia đình tôi vô cùng khó khăn. Hai vợ chồng là giáo viên, hai đứa con quá nhỏ lại sinh gần nhau. Trường học qui mô lớn: ba cấp học(mẫu giáo, câp I, cấp II) và cả làm nhiệm vụ xóa mù chữ ban đêm cho bà con. Trường học có đến 9 điểm dạy trải dài từ cầu 14 về đến xí nghiệp gạch ngói(xã Trúc Sơn ngày nay) Tôi có chiếc xe đạp cà tàng (của vợ trước khi lấy nhau để đi thăm các phân hiệu các điểm dạy và đi về địa chỉ 92 Lý thường Kiệt họp Hiệu trưởng hàng tháng. Gian khổ quá, chịu không nổi. Được 1 năm tôi xin nghỉ hiệu trưởng(tháng 10/1987)về giảng dạy thì cũng sau đó 2 năm thầy hiệu trưởng mới lại cũng bị kỷ luật. Tôi một lần nữa được bầu làm hiệu trưởng, vào năm 1989. Năm ấy cũng là năm bộ khung cán bộ huyện Cư Jút mới hình thành. Cuộc họp cũng công bố quyết đinh kỷ luật cách chức hiệu trưởng cũ, bầu hiệu trưởng mới. Lúc này có Chủ tịch huyện Cư Jút là đồng chí Trần Văn  Lực; Trưởng Phòng giáo dục và Đào Tạo Cư Jút là đồng chí Đỗ Văn Sửu.

Tôi nghĩ mình sẽ thoát trong việc đề cử lần này nhưng không ngờ lại vẫn được giới thiệu. Một lần nữa tôi từ chối nhưng không được và kết quả bầu và kiểm phiếu tại chỗ tôi lại trúng, lại phải nhận nhiệm vụ. các đồng chí lãnh đạo huyện lúc đó động viên tôi là nay là “Huyện Cư Jút” rồi, phòng giáo dục về đây đi họp hoặc báo cáo gần rồi, qui mô trường lớp đã gọn, thuận lợi hơn nhiều khi còn là “xã Cư Jút” nên hãy cố gắng để cùng xây dựng phong trào giáo dục huyện nhà…

Lần thứ hai được đồng nghiệp tin yêu, lãnh đạo quyết định phân công công việc tôi luôn lo lắng mình phải làm gì, làm như thế nào để đúng nghĩa với sự tin yêu của đồng nghiệp, của lãnh đạo, học sinh thân yêu và nhân dân địa phương. Từ ấy tôi luôn khiêm tốn học hỏi qua tài liệu, sách báo, những người có kinh nghiệm để cố gắng làm tròn nhiệm vụ nặn nề của mình. Thật vui và may mắn cho tôi, ở đâu làm hiệu trưởng trường nào tôi cũng luôn được sự tin yêu, sự cộng tác giúp đỡ của đồng nghiệp, học sinh, nhân dân và các cấp lãnh đạo luôn tin tưởng tạo điều kiện nên trường tôi phụ trách luôn luôn sôi nổi phong trào thi đua dạy học và đạt kết quả tốt từ cấp huyện đến cấp tỉnh(từ khi còn ở trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu xã Cư Jút, đến cấp II Tâm Thắng, trường THCS Phạm Văn Đồng cũng như trường THCS Phan Đình Phùng huyện Cư Jút hôm nay)

Khi tôi là giáo viên cũng như khi tôi làm hiệu trưởng, tôi không bao giờ giấu dốt, luôn thân thiện gần gũi với đồng nghiệp cũng như các em học sinh, học hỏi đồng thời cũng sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp về kinh nghiệm công tác cũng như về cuộc sống. Tôi đã từng dạy phụ đạo cho học sinh yếu về môn toán và hoàn cảnh nghèo khó, gia đình có công cách mạng (vì bản thân tôi là đứa con liệt sĩ đã từng nghèo khổ 2 lần bỏ học 5 năm, làm đủ mọi việc nhưng rồi ý thức được việc học là quan trọng nên vượt khó để đi học lại được nhiều thầy cô dạy tôi đã từng giúp đỡ tôi) học sinh là dân tộc tại chỗ, của trường mình dạy mà không hề đòi hỏi một điều gì và học sinh có tiến bộ thật sự. Tôi đã từng vận động nhiều học sinh bỏ học trở lại lớp và đã có nhiều em trưởng thành (đã trở về thăm và tìm cách giúp đỡ tôi khi em có điều kiện có thể,… )nên bản thân tôi luôn được các thế hệ học sinh yêu quý.

Những lợi thế trong công tác và được sự tin yêu của học sinh đối với bản thân: có phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn vững vàng, nhiệt huyết với công việc của nhà giáo, có tinh thần trách nhiệm cao, xử lý tình huống hợp tình hợp lý; tính hài hước vui vẻ, khiêm tốn học hỏi, tôn trọng, thân thiện với mọi người.

Tuy không nhiều nhưng có chút năng khiếu: kể chuyện cổ tích, những câu chuyên mang tính giáo dục, các hoạt động văn nghệ hát, một số trò chơi trẻ em xếp hình giấy, nhái tiếng chim, tiếng mèo kêu,…là “những trò vui” các em yêu thích nên các em học sinh nơi trường tôi công tác dù tôi không dạy trực tiếp vẫn yêu mến tôi.

Đến nay(2019) tôi đã giảng dạy được 36 năm tại đất Cư Jút thân yêu mà tôi xem là quê hương thứ hai của mình, đã được đồng nghiệp, phụ huynh học sinh thương yêu đùm bọc giúp đỡ bản thân cũng như gia đình và nghề nghiệp của tôi. Cám ơn những người cha, người mẹ đã tin tưởng gửi gắm con của họ đến lớp tôi, trường của chúng tôi để học hành và trưởng thành suốt những năm qua. Cám ơn quí thầy cô giáo là các anh các chị thế hệ đi trước đã tin tưởng, bảo ban giúp đỡ tôi trưởng thành đến hôm nay. Cám ơn quí thầy cô giáo các em đồng nghiệp đã luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bản thân nghĩa là đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ và luôn mạnh dạn góp ý thẳng thắn với tôi để tập thể hội đồng sư phạm luôn đoàn kết vững mạnh, chất lượng Dạy Học luôn được nâng cao được phụ huynh học sinh và học sinh mãi mãi tin yêu và nhớ về ngôi trường một thời mình đã gắn bó. Cư Jút hôm nay đã thay da đổi thịt phát triển toàn diện gấp vạn lần của ngày tôi mới ra trường về qui mô trường lớp cũng như đội ngũ nhà giáo cũng như số lượng, chất luợng giáo dục của huyện nhà.

Xin cám ơn cám ơn tất cả đất trời Cư Jút, con người Cư Jút thân yêu đã thương yêu dìu dắt tôi ngay từ khi bước vào đời, cám ơn Nghề Dạy học đã cho tôi được sống và hành nghề cao quí trên mảnh đất có một diện mạo luôn được đổi mới và phát triển vô cùng đáng sống này cho đến hôm nay để mỗi khi ai đi xa cũng phải nhớ về.

Bùi Văn Bửu

-THCS Phan Đình Phùng Cư Jút – Đăk Nông