NGƯỜI THẦY “BÀ ĐỠ” TRÍ TUỆ CỦA NHÂN LOẠI

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

NGƯỜI THẦY “BÀ ĐỠ” TRÍ TUỆ CỦA NHÂN LOẠI

HỨA VĂN LÃNG (1)

Nói tới nhà giáo đích thực,là nhận ra con người trí tuệ và tài năng,đức độ và nhân ái ,con người nhân văn có văn hóa, phong độ chững chạc đàng hoàng,thư thái .

Đã là nhà giáo thì bản chất nghề nghiệp đã làm cho họ luôn luôn có ý thức tự tôn, tự trọng,thể hiện phong độ mô phạm dù đang đứng trên bục giảng hay ở bất cứ môi trường nào.

Còn đối với học sinh, cha mẹ các em, các tầng lớp xã hội,dù là ai khi đã biết là Thầy giáo thì đều tỏ lòng quí mến,kính nể và khiêm nhường .

Việc dạy nghề,dạy chữ đem lại hiệu quả rõ rệt,được xã hội thừa nhận và quí trọng,mà từ xa xưa dân ta đã coi thầy đồ là người dạy chữ của thánh hiền. Cha mẹ cho con đến nhà thầy là để học chữ của thánh hiền – học để làm người, dần dần xuất hiện quan niệm dạy chữ -dạy người.Ở các làng xã có nhiều việc dân không hiểu đều phải đến hỏi thầy ,kể cả Hương lý,kỳ hào cũng phải đến nhà thầy để đàm đạo việc làng,việc nước. Cứ như thế xuất hiện thành ngữ :” Không thầy đố mầy làm nên”,” tôn sư trọng đạo “,” nhất tự vi sư,bán tự vi sư “,” muốn làm thầy hay, phải dày sự học “. Việc học hết sức công phu ,kiến thức uyên bác,hiểu sâu biết rộng ,”học mười dạy một”, muốn đánh giá ông thầy chỉ cần:”xem lũ trò hay biết thầy dạy giỏi “, “thầy nào trò ấy”..vv…”Muốn sang thì bắc cầu kiều,muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.Khi việc dạy và học được xã hội quan tâm, các triều đại trọng dụng,xuất hiện một loạt các chính sách khuyến học,khuyến tài,mở rộng trường lớp đến các làng xã,hình thành đội ngũ thầy giáo và tầng lớp trí thức ngày càng đông.

Nói tới vị trí xã hội và vai trò người thầy giáo,Nguyễn Trãi đã viết :”Người thầy giáo không những dạy chữ mà còn dạy đạo lí làm người “. Đó là đào luyện tâm hồn, đào tạo lớp lớp thế hệ trẻ,lớp sau kế tiếp lớp trước bước vào đời xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng nói về vấn đề này ,Tago-nhà hiền triết và thi hào vĩ đại của Ấn Độ, viết:”Giáo dục một người đàn ông thì được một con người.Giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình.Giáo dục một người thầy giáo thì được một thế hệ”.

Có lẽ câu này đúng với mọi dân tộc,mọi quốc gia, mọi thời đại,còn với Việt Nam nơi xứ sở của truyền thống tôn sư trọng đạo quý mến thầy giáo thì điều đó có ý nghĩa vô cùng to lớn. Vì nó đã đi vào thơ ca,vào ca dao,thành ngữ và đi vào lời ru của các bà mẹ”À ơi! Qua sông phải bắc cầu kiều,muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy!”.

Ca ngợi nghề dạy học Comenxki viết:”Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quí hơn nghề dạy học”. Cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng nói:”Nghề dạy học là nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí,nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.Người thầy giáo vinh dự đã lớn nhưng trọng trách lại càng nặng nề,tính chuẩn mực,mô phạm đòi hỏi càng cao,người thầy giáo phải là “khuôn vàng thước ngọc”,là”Tấm gương sáng cho học sinh noi theo” ,người thầy giáo là “Bác sĩ của tâm hồn “,có tấm lòng nhân ái cứu chữa những con người tha hóa biến chất thành những con người có tâm hồn trong sáng hơn.

Nói đến nhà giáo là nhận ra con người trí tuệ,đức độ, giàu lòng nhân ái khoan dung,nhân loại đã thừa nhận vai trò của người thầy giáo sánh cùng người mẹ: “Không có một vĩ nhân,một anh hùng nào trên đời này không qua bàn tay bế ẵm và sự dạy dỗ của bà mẹ, thì trên trái đất này,không có một vĩ nhân một anh hùng nào lại không qua bàn tay diù dắt và sự dạy dỗ của người thầy giáo”.Thời nào cũng vậy,từ người bình thường đến các nhà khoa học,các nhà sáng chế phát minh …trên bước đường trưởng thành của mình đều đã có sự dìu dắt dạy dỗ của các thầy, cô giáo.Cách đây 2500 năm, Khổng Tử đã viết:”Nhân chi sơ,tính bản thiện “(Con người sinh ra vốn đã có tinh thiện).Sau vài trăm năm, Mạnh Tử nói ngược lại: “Nhân chi sơ,tính bản ác”(Con người sinh ra vốn đã có tính ác )Tuy trái ngược nhau nhưng đều nhấn mạnh vai trò to lớn của giáo dục -người thầy giáo có tính quyết định.Tính thiện có thể thành ác nếu không được sự giáo dục tốt.

Người thầy trong xã hội Việt Nam từ bao đời nay là biểu tượng cao quí tượng trưng cho trí tuệ tài năng của xã hội. Bao đời nay dân ta vẫn nói: “Không có thầy đố mầy làm nên”.Dẫu rằng người thầy không phải là tất cả,nhưng đội ngũ các thầy cô giáo có vai trò quyết định trong sự nghiệp nâng cao dân trí,đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Ủy ban Quốc tế về giáo dục đã nêu chủ đề về giáo dục ở thế kỉ 21:”Học tập là của cải nội sinh”.Với 4 mục đích gọi là 4 trụ cột “Học để biết,học để làm,học để chung sống với người khác, học để tự khẳng định mình”. Rõ ràng có học thì mới biếtvà có biết mới làm việc có hiệu quả và có học thì mới hiểu biết tập quán phong tục luật lệ kể cả ngoại ngữ để chung sống với người khác.Có học mới có học vị để khẳng định được nơi làm việc – chỗ đứng của mình.

Những người nỗ lực học tập thật sự,sẽ có trình độ phát triển cao,đó là có khả năng sáng chế và phát minh.

Đó là của cải do chính bản thân họ tự tạo ra,thì học tập chẳng phải là “của cải nội sinh” đó sao?

Nếu trường học,với chức năng là thiết chế văn hóa đặc biệt,là nơi”trồng người”,”ươm trồng hạt giống”thì người thầy giáo như những chuyên gia, những kỹ sư chọn giống,tạo giống và ươm trồng,là tầng lớp thay mặc xã hội gánh vác trách nhiệm nặng nề của sự sáng tạo ra các thế hệ con người văn hóa,con người trí tuệ”.

Từ những mái trường,các thế hệ học trò lớn lên về thể chất và tinh thần,về kiến thức khoa học và phẩm chất đạo đức,về ước mơ lý tưởng và đạo làm người.Đã là học trò chúng ta đều biết về sự cống hiến thầm lặng của người thầy giáo,cô giáo bằng quá trình lao động miệt mài nghiêm túc và đầy trách nhiệm.

Nhà giáo dục Ginoviep(LX cũ) nói khái quát về công sức lao động của người thầy giáo:” Để cung cấp cho người học một hạt nhỏ hào quang kiến thức, người thầy giáo đã phải uống cạn một biển cả ánh sáng”.Lịch sử mãi mãi ghi nhận công lao vinh quang của những con người đứng trong hàng ngũ ấy. Bằng cảm xúc của mình,nhà thơ Xipaxop(LX cũ) đã khái quát thành những vần thơ chứa chan tình cảm:

” Mai sau con cưởi gió mây…

Con bay vượt biển,con bay bằng ngàn

Nhưng đường cũng chẳng gian nan

Bằng đi từ ghế sang bàn hôm nay!”

Tất cả những thành tựu khoa học hiện nay đều do con người trí tuệ sáng tạo ra. Không có con người thì làm sao có được ánh sáng thay thế mặt trời,không có con người làm sao có được con tàu đi vũ trụ ,làm sao có được bộ óc điện tử chỉ trong một giây cho ta hàng vạn phép tính thay thế hàng vạn lao động trong một ngày,không có con người làm sao có được người máy kì diệu để có thể thay thế sức lao động của con người trong nhiều lĩnh vực độc hại và nguy hiểm, làm việc trên cao, dưới đáy biển,trong hầm sâu của các lò phản ứng nhiệt hạch và hạt nhân nguyên tử. Trong tương lai không xa,con người sẽ phát minh ra nhiều thành tựu vô cùng kỳ diệu mà ta không thể ngờ tới trong cuộc cách mạng trí tuệ đang diễn ra đến chóng mặt …Tất cả mọi thành tựu đều dựa trên những kí hiệu cơ bản như các chữ cái,các số tự nhiên,các phép tính công-trừ-nhân-chia đơn giản mà các thầy,cô giáo đã dạy cho chúng ta thời tiểu học.

Bộ mặt của các dân tộc và thế giới đang đẹp dần lên. Tinh thần yêu thương lẫn nhau,tình bằng hữu giữa các dân tộc ngày càng mở rộng đã chẳng phải nhờ sự giáo dục tinh thần nhân văn,nhân ái,nhân đạo của các nhà giáo đối với thế hệ con người đó sao! Làm sao có thể tính được công lao của các thế hệ nhà giáo đối với lịch sử đất nước là bao nhiêu?

Làm sao có thể diễn ra được tấm lòng cao thượng, tâm hồn trong sáng,cốt cách thanh cao,khí phách không bao giờ chuyển lay,không bị cám dỗ bỡi tiền tài danh vọng. Đó là các tấm gương sáng ngời: Nhà giáo tiền bối Chu Văn An (1292-1356) tài năng đức độ sáng ngời,dâng”Thất trảm sớ” lên vua Trần Dụ Tông;Nhà giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm (1419-1585) hiểu sâu biết rộng trong mọi lĩnh vực là nhà tiên tri thời cuộc nổi tiếng,ông dâng sớ xin chém 18 tên đại thần tham nhũng và treo ấn từ quan về quê dạy học;Nhà giáo Đàm Công Hiệu (1652-1721) có một không hai trong lịch sử.Ông là thầy dạy cả hai cha-con là hai đời chúa: Trịnh Cương và Trịnh Giang. Nối tiếp là các nhà giáo: Võ Trường Toản,người thầy đầu tiên trong lịch sử 300 năm Thành phố Hồ Chí Minh khước từ lời mời ra làm quan của triều đình Huế.Lương Đắc Bằng dấy binh trừng trị bọn vua quan hoang dâm vô đạo.Cao Bá Quát khởi nghĩa chống lại triều đình.Nhà giáo nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cầm đầu nghĩa quân chống thực dân Pháp -thà hy sinh…:

“Sự đời đã khuất đôi tròng mắt

Lòng đạo xin tròn một tấm gương “…vv.

Tiêu biểu hơn ai hết là nhà giáo Nguyễn Tất Thành -Nguyễn Ái Quốc với hai bàn tay không,vượt qua bốn biển để tới các nước năm châu mà hành trang duy nhất là lòng yêu nước thương dân trở thành cốt tủy,với trí tuệ của Người hòa nhập cùng thời đại,Người khéo léo lái con thuyền đi theo Cách mạng thánh Mười Nga,sáng lập ra Đảng Cộng Sản Việt Nam,làm Cách Mạng tháng Tám năm 1945 thành công,khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lập nên kì tích Điện Biên Phủ,tiếp tục đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào,với chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giang sơn thu về một mối.Một con người,một nhà giáo lỗi lạc ,một vị anh hùng giải phóng dân tộc ,một danh nhân văn hóa kiệt xuất có một không hai trên thế giới. Kế tiếp sự nghiệp của người là các nhà giáo lớp đầu tiên dưới ánh sáng Cách mạng tháng Mười Nga đó là: Trần Phú dạy trường tiểu học Cao Xuân Dục,là Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta (1930-1931); Nhà giáo Hà Huy Tập dạy trường tiểu học thị xã Nha Trang,là Tổng bí thư Đảng giai đoan 1935-1938; các nhà giáo Châu Văn Liêm,Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Thiện,Trịnh Đình Cửu là bốn đại biểu họp với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1930. Biết bao nhà giáo cách mạng đã hy sinh, người này ngã xuống,người khác xông lên để giành độc lập cho dân tộc,giải phóng đất nước,tiêu biểu như các nhà giáo Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập,Võ Văn Tần,Nguyễn Hửu Tiến ( Họ đã bị thực dân Pháp xử tử dã man tại Hóc Môn ngày 28-3-1941).

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cực kì gian khổ,đã xuất hiện hàng loạt các nhà giáo tiêu biểu với nhiều công lao to lớn,góp phần vào việc xây dựng nền giáo dục Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Họ đã đào tạo được lớp lớp thế hệ có mặt trên mọi lĩnh vực xây dưng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta đang sống ở những năm đầu thế kỉ 21 – thế kỉ bùng nổ thông tin khoa học , nền kinh tế trí thức,nền sản xuất cực kì hiện đại đang dần dần thay thế sức lao động cơ bắp,thể lực bằng sức lao động trí lực (trí tuệ ). Sự thay đổi về chất đó đòi hỏi các nước trên thế giới phải xác định lại trật tự ưu tiên giữa các ngành trong toàn bộ quá trình phát triển kinh tế xã hội. Qua thực tế các nước phát triển trên thế giới đã kết luận giáo dục-đào tạo phải được xem là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu -số 1,là cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế ,xã hội như các Nghị quyết của Đảng đã khẳng định. Đối với người thầy giáo, đời nào cũng thế, với họ,mục tiêu phấn đấu suốt đời là cái đức,cái tài, cái tâm và chữ nhân,tất cả vì học sinh thân yêu và cũng là vòng nguyệt quế của bao thế hệ học trò đã dành cho họ.

Thiên chức khai tâm mở trí bao thế hệ học trò đã để lại cho các thầy cô giáo bao niềm vui. Vui vì họ tự nguyện làm cành hoa đào tự cháy đỏ đời mình để cho mùa xuân rực rỡ. Và càng vui hơn khi họ nghĩ mình được vinh dự làm kẻ gieo hạt chăm bón cho mùa vàng chân lý nẩy mầm kết trái.

Hàng năm, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 các nhà giáo lại thấy lòng mình sống động một niềm vui,vinh dự và tự hào được học trò của mình qua các thế hệ thăm hỏi,chúc mừng với một tấm lòng thành kính thể hiện trên những khuôn mặt rạng rỡ đầy nghĩa tình thầy trò. Thầy đã vì trò mà không ngừng tự học, tự đào tạo,nâng cao trình độ,tình cảm nghề nghiệp,hết lòng yêu thương học sinh, phấn đấu dạy thật tốt.Còn trò cũng vì thầy mà nỗ lực học tập thật tốt. Có như vậy ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11,người thầy “bà đỡ” trí tuệ của nhân loại mãi mãi đi vào lòng người,khắc sâu trong tâm trí các thế hệ học sinh, cha mẹ các em,các nhà giáo và toàn ngành giáo dục chúng ta cần biến tình cảm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 thành hành động thiết thực thi đua dạy thật tốt,học thật tốt, phục vụ thật tốt!.

Tác giả : HỨA VĂN LÃNG

Đăng trên báo Giáo dục-Thời đại -Chủ nhật ,số 45+46(464+465) Ra ngày 9-11/16-11-2003